Theo báo cáo sơ bộ từ Đại học Michigan vừa công bố, chỉ số Tâm lý người tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 7 đạt mức 61,8 điểm, cao hơn dự báo 61,5 điểm và tăng so với mức 60,7 điểm của tháng 6. Đây là mức cao nhất trong 5 tháng qua, nhưng vẫn thấp hơn 16% so với tháng 12.2024 và dưới mức trung bình lịch sử.
Bà Joanne Hsu - Giám đốc khảo sát người tiêu dùng tại Đại học Michigan - nhận định: “Tâm lý người tiêu dùng chỉ nhích nhẹ so với tháng trước. Dù đạt mức cao mới trong năm nay, nhưng người tiêu dùng vẫn còn dè dặt và chưa lấy lại niềm tin hoàn toàn vào nền kinh tế”.
Giá vàng đã tăng sau khi dữ liệu này được công bố lúc 21h ngày 18.7 (giờ Việt Nam). Ghi nhận lúc đó, giá vàng giao ngay đạt 3.356,84 USD/ounce, tăng 0,53% trong ngày. Đến cuối phiên, giá tiếp tục giữ đà tăng và lên mức 3.357,8 USD/ounce.

Một yếu tố quan trọng trong khảo sát là kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng. Trong ngắn hạn, kỳ vọng lạm phát một năm đã giảm từ 5,0% trong tháng 6 xuống còn 4,4% trong tháng 7. Kỳ vọng lạm phát dài hạn cũng hạ nhiệt từ 4,0% xuống 3,6% - mức thấp nhất kể từ tháng 2.2025, nhưng vẫn cao hơn tháng 12.2024. Điều này cho thấy người tiêu dùng vẫn lo ngại lạm phát có thể quay trở lại.
Bà Joanne Hsu cho biết: “Người tiêu dùng sẽ khó lấy lại niềm tin nếu chưa thấy được sự ổn định của chính sách thương mại hay các yếu tố vĩ mô khác. Dữ liệu hiện tại chưa cho thấy tác động rõ ràng từ các chính sách tài khóa mới được thông qua”.
Chuyên gia kinh tế trưởng Jeffrey Roach từ LPL Financial nhận định: “Mặc dù rủi ro lạm phát trong vài tháng tới vẫn còn, nhưng kỳ vọng của người tiêu dùng đã được neo chặt. Họ tin rằng lạm phát do thuế quan chỉ là tạm thời và tình hình sẽ cải thiện vào năm 2026. Đây là tín hiệu tích cực đối với Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED)”.
Cùng ngày, Bộ Thương mại Mỹ cũng công bố dữ liệu về thị trường nhà ở, cho thấy hoạt động xây dựng có dấu hiệu phục hồi. Số nhà khởi công trong tháng 6 tăng 4,6%, đạt mức điều chỉnh theo mùa là 1,321 triệu căn/năm – cao hơn dự báo 1,29 triệu căn. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, hoạt động xây dựng nhà ở vẫn giảm 0,5%.
Riêng phân khúc nhà đơn lập ghi nhận mức giảm 4,6%, xuống còn 883.000 căn, thấp hơn mức 926.000 căn của tháng 5 sau điều chỉnh. Trong khi đó, giấy phép xây dựng chỉ báo cho hoạt động xây dựng tương lai tăng nhẹ 0,2% lên 1,397 triệu căn, sát với dự báo thị trường.
Giới phân tích nhận định, dù có dấu hiệu tích cực, thị trường nhà ở Mỹ vẫn đối mặt với nhiều thách thức như lãi suất vay thế chấp cao do chính sách tiền tệ thắt chặt của FED và giá nhà leo thang vì nguồn cung khan hiếm.
Trong bối cảnh đó, giá vàng giữ vững quanh mức đỉnh trong phiên, cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn nghiêng về tài sản an toàn trước những tín hiệu kinh tế đan xen tích cực và rủi ro. Dù lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt và thị trường nhà ở phục hồi nhẹ, nhưng sự thận trọng vẫn chiếm ưu thế khi các yếu tố bất định vĩ mô vẫn còn kéo dài.
Theo Lao động